Theo
thống kê, đến năm 2010, sau 15 năm kể từ khi giống cây trồng biến đổi
gen (BĐG) đầu tiên được đưa vào sản xuất đã có 29 quốc gia trồng cây BĐG
với diện tích canh tác ước tính vào khoảng 148,0 triệu ha gieo trồng
mỗi năm đối với hàng chục loại cây trồng khác nhau như ngô, lúa, đậu
tương, bông, cải dầu...
Trong
đó, 3 cây trồng BĐG có diện tích lớn nhất là đậu tương 73,3 triệu ha,
ngô 46,8 triệu ha, bông vải 21 triệu ha. So với tổng diện tích canh tác
các cây trồng toàn cầu ước tính lên đến trên 4,8 tỷ ha thì diện tích này
quả là còn rất nhỏ bé, nhưng con số 148 triệu ha lại không hề nhỏ đối
với một vài quốc gia và vài công ty xuyên quốc gia - những người nắm
công nghệ.
Tranh cãi kéo dài nhưng chưa ngã ngũ
Đã có những tranh cãi
gay gắt giữa một bên là các công ty sở hữu công nghệ và các sản phẩm
BĐG và bên kia là các nhà khoa học lo ngại về khả năng rủi ro, không an
toàn của các sản phẩm BĐG đối với sức khỏe con người và môi trường canh
tác và sinh hoạt. Sự tranh cãi này diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc, cả ở
châu Âu lẫn châu Á, cả ở nước phát triển và các nước đang phát triển.
Cứ mỗi khi các nhà
khoa học hay các nhà thực hành sản xuất khám phá ra những rủi ro liên
quan đến các sản phẩm BĐG, hoặc chứng minh lợi ích của các sinh vật BĐG
không lớn như những gì mà người ta quảng cáo thì ngay lập tức các ông
chủ sở hữu công nghệ và bản quyền các sản phẩm BĐG lại đưa ra các bằng
chứng phản bác lại, đẩy các cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ nay
không chấm dứt.
Trên thực tế, ngoài
những lo ngại sản phẩm BĐG có thể tác động xấu đến sức khỏe con người,
còn có rất nhiều lo ngại khác, cụ thể là:
1) khả năng tác động xấu đến môi trường canh tác, mất an toàn cho người sử dụng;
2) Khả năng để mất quyền kiểm soát lương thực vào tay nước ngoài;
3) Nguy cơ độc
quyền kinh doanh đầu vào sản xuất đối với sản phẩm BĐG (giống, phân bón
và hóa chất đi kèm) có thể làm giảm hiệu quả sản xuất và tăng gánh nặng
hỗ trợ của các chính phủ; và
4) Nguy cơ xảy ra
các tranh chấp thương mại, dựa vào đó các hàng rào kỹ thuật, phi thuế
quan sẽ được thiết lập nhằm hạn chế hay tẩy chay sản phẩm của các đối
thủ vốn có lợi thế cạnh tranh hơn.
Nghiên cứu của giáo sư Gilles-Eric Seralini về ngô BĐG NK603 trên chuột
Ứng xử của các bên liên quan
Đầu thập niên 1980,
Pháp kiên quyết phản đối cây trồng BĐG nhưng đến thập niên 2000 khi Pháp
đã làm chủ được công nghệ BĐG thì hàng chục giống ngô BĐG đã được trồng
khá phổ biến ở đây nhưng hầu hết đều là các giống do Pháp sản xuất, chỉ
duy nhất giống MON89034 của tập đoàn Monsanto được cấp phép ở đây.
Trung Quốc cũng là
nước đã dành rất nhiều tiền để nghiên cứu về GMO. Vào cuối thập niên
1990 những tranh cãi về khả năng mất an toàn của sinh vật BĐG cũng rất
gay gắt, tuy nhiên đến đầu những năm 2000 thì điều này đã dịu xuống.
Trước đây, khi chưa
làm chủ được công nghệ BĐG thì chính phủ Trung Quốc đã tìm mọi cách để
hạn chế nhập khẩu, kể cả thời kỳ trong nước thiếu hụt, giá đậu tương lên
cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng Trung Quốc vẫn hạn chế nhập
khẩu, chấp nhận hỗ trợ tiêu dùng nhưng đồng thời đẩy mạnh việc nghiên
cứu sản xuất sản phẩm BĐG trong nước.
Đến nay, Trung Quốc
đang dần xuất khẩu công nghệ BĐG và các sản phẩm BĐG của họ. Các công
ty giống trong nước của Trung Quốc hiện nay cũng đang cung cấp phần lớn
giống cho nhu cầu của nông dân. Xin lưu ý, khi thị trường trong nước
thiếu hụt, thì Trung Quốc vẫn nhập khẩu các sản phẩm BĐG nhất là đậu
tương, nhưng không phải là nhập giống đậu tương BĐG vào để trồng ở trong
nước.
Cách tiếp cận nào cho Việt Nam?
Theo PGS Nguyễn Thị
Trâm, Việt Nam cần thận trọng chọn cách tiếp cận một cách thông minh về
cây BĐG. Trong khi Việt Nam là nước nghèo, mọi trang thiết bị, vật
liệu, hóa chất, phương pháp nghiên cứu phải nhập khẩu 100%, mà thường
khi đi nhập hay bị mua phải công nghệ lạc hậu thiếu đồng bộ, đội ngũ cán
bộ tiếp thu công nghệ cần được đào tạo đồng bộ, toàn diện về lý thuyết,
thực hành và triển khai.
Vì vậy, trước mắt
chúng ta phải chọn cách đi chậm (tuần tự) và thận trọng, không nên đi
tắt đón đầu để tránh sự lệ thuộc triền miên vào các công ty nước ngoài
về giống BĐG mà nông dân ta là những người phải đi mua giống để trồng
hoặc Nhà nước phải bỏ tiền mua gen cho các Viện nghiên cứu trong nước
tạo giống chuyển gen để bán cho nông dân.
Trước mắt, chúng ta
hoàn toàn có khả năng tập trung nội lực nghiên cứu phát triển các cây
lương thực, thực phẩm có lợi thế, đồng thời tập trung đầu tư để nâng cao
giá trị xuất khẩu của lúa gạo, cà phê, rau, hoa, quả, thủy sản... bù
cho việc nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi và bông cho công
nghiệp dệt.
Đầu tư nghiên cứu
tạo giống hoặc nhập sản phẩm cây trồng BĐG dùng làm nhiên liệu, nguyên
liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, xăng sinh học nhưng phải đảm bảo các
quy định về an toàn sinh học, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của con
người và sinh vật. Vì tầm quan trọng của lương thực thực phẩm cho con
người, nên các chính sách liên quan tới cây trồng BĐG sẽ phải dựa trên
những cuộc tranh luận cởi mở và trung thực có sự tham gia của mọi thành
phần trong xã hội.
Theo thiển nghĩ của
người viết bài này, cơ sở vật chất và khả năng nghiên cứu về cây BĐG
của Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi trong nước cũng chẳng thiếu
giống tốt và phù hợp với điều kiện địa phương nhưng lại để cho các công
ty xuyên quốc gia đem giống của họ vào cạnh tranh với mình.
Họ là những ông lớn
có tiềm lực kinh tế sẵn sàng bóp chết các công ty nhỏ xíu trong nước.
Sẽ là sai lầm khi thực hiện trồng ngô BĐG trong nước để thay thế nhu cầu
nhập ngô BĐG làm thức ăn chăn nuôi. Sản xuất ra ngô BĐG thay thế nhu
cầu nhập khẩu là câu chuyện khác hoàn toàn với nhập khẩu ngô BĐG nguyên
liệu để bù đắp sự thiếu hụt.
Lãnh đạo Bộ Nông
nghiệp & PTNT thường nhắc đi, nhắc lại điệp khúc: ”Phải nâng cao giá
trị cho sản phẩm, phải sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng
cao” thế nhưng ai có thể khẳng định ngô BĐG là cây trồng mang lại giá
trị gia tăng cao hơn ngô thường của Việt Nam?
Các nhà hoạch định
chính sách của Việt Nam không hiểu vì lý do gì cứ viện cớ thiếu ngô làm
thức ăn chăn nuôi để biện luận cho việc phải đưa ngô BĐG vào sản xuất
đại trà. Ngô BĐG không làm cho năng suất và sản lượng tăng lên, do vậy
sẽ không giải quyết được vấn đề thiếu hụt ngô nguyên liệu cho thức ăn
chăn nuôi, chưa kể giả sử nếu cứ cho trồng ngô BĐG tại Việt Nam thì cũng
chẳng thể nào cạnh tranh nổi với ngô BĐG của Mỹ, Achentina, v.v... là
những nước có điều kiện đất đai, khả năng đầu tư, trình độ khoa học kỹ
thuật hơn hẳn Việt Nam.
Tại sao Việt Nam
không đơn giản áp dụng chính sách thuế để xử lý tình huống thiếu hụt
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như những nước khác vẫn làm?. Ví dụ, khi
nào trong nước thiếu thì giảm thuế nhập khẩu, còn khi trong nước đến vụ
thu hoạch thì tăng thuế xuất thuế nhập khẩu lên để bảo hộ người sản xuất
trong nước. Hiện tại, Việt Nam cũng đã sản xuất được tới gần 5 triệu
tấn ngô, với sản lượng như vậy mà đến thời vụ thu hoạch, nông dân bán
còn khó, nếu trồng ngô BĐG thì cạnh tranh sao nổi với ngô BĐG nhập khẩu
có giá rất cạnh tranh.
Có ý kiến đặt cho
rằng các công ty đa quốc gia tìm mọi cách để vào Việt Nam chiếm lĩnh thị
trường thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn gia súc của họ chưa bao giờ ngừng
tăng. Họ luôn viện cớ giá đầu vào tăng để tăng giá thức ăn chăn nuôi,
đến mức không thể tăng hơn được nữa vì người nông dân kiệt quệ vì lỗ vốn
thì họ lại xin được miễn VAT nhưng thử xem miễn VAT rồi thì giá thức ăn
chăn nuôi có giảm được không? Đừng có mơ mà vỡ mộng.
Thay cho lời kết
Những bài học ở
Châu Âu và Trung Quốc khẳng định rằng thắng lợi chỉ thuộc về những người
nắm giữ công nghệ. Cần phải thận trọng và cảnh giác với những phương
thức kinh doanh kiểu mới của những “ông Trùm” thế giới sử dụng các con
bài “sinh tặc” hiện nay.